Sunday, March 17, 2024

Hỗ Trợ Tháng 3 2024

Hình ảnh đi thăm người thân trong tù. Cô Trúc Đào có 2 đứa con nhỏ nhất, chồng trong tù. Bà Bon áo xanh Green là mẹ TNLT Nguyễn Thị Chung dẫn cháu đi thăm con và cho chúng gặp mẹ trong tù.

Tấm hình thứ 4 rất đặc biệt do tài xế đi lạc lối, người dẫn đường vô tình làm "phóng viên không biên giới" chụp được các tù nhân đang làm ngoài đồng nắng gay gắt trong khi tên công an cắm dù nghỉ mát để canh gác tù nhân lao động dưới nắng trại giam. Được biết khi họ thấy xe chay lại gần đó  thì họ quát tháo chửi và đuổi đi chỗ khác.






Hổ Trợ tháng 3- 2024 TNLT người Thượng.

Ông A HYUM, sinh năm 1940. Ông từng làm việc dưới thời VNCH từ 1968 đến 1975. Ông rất giỏi ngoại ngữ, sau biến cố 1975 ông dạy tiếng Anh ở trường cấp 3 Ban Mê Thuột, buổi chiều thì đi dạy chữ cho những trẻ em nghèo trong làng. Hai lần ông được phía Mỹ bảo lãnh đi, nhưng ông từ chối vì muốn ở lại với đồng bào giúp họ về Đức tin và dạy học. Ông bị bắt vì tội: phá hoại chính sách đại đoàn kết…án 8 năm 3 năm quản chế. Khi ở trại giam Nam Hà ông ở chung với Hà Đức Giang, và Hồ Đức Hoà. Hai người họ học thêm tiếng Anh từ ông..Sau khi ra tù ông bị nhiều thứ bịnh trong người, tai bị điếc nặng, nhưng tinh thần thì vẫn luôn minh mẫn, vẫn viết và đọc sách tiếng Anh mỗi ngày. Những người bị bắt chung năm đó với ông là: con trai, ông ATik A Gron (sui gia với thầy giáo Anh Ngữ) và e ruột của ông sui gia cùng với hơn 10 người khác ở các huyện khác nhau. 

Khi ghé thăm ông rất vui, vì trước giờ không có ai dám ghé nhà thăm kể từ khi bị bắt đến ra tù. Ông gởi lời cảm ơn các quý ân nhân đã nhớ đến ông và biếu quà nhiều tiền như vậy… Do con trai ông còn quản chế, công an tới lui dòm ngó nên con không thể ở lâu được. Hy vọng có dịp đến lâu hơn để quay phim về ông. Ông ATik A Gron (sinh năm 1952) Là Sui gia với (thầy giáo Anh Văn) ông A HYum, ông ATik A Gron bị viêm ruột, viêm gan, hở van tim… Sau khi ra tù thì ai cũng mang trọng bịnh. Nhà nghèo nên đành phó thác cho Chúa. Thông qua QTNLT. Họ cảm ơn những tấm lòng cao cả của quý vị đã giúp những tù nhân ít được biết đến. 

Con chỉ đem sự yêu thương chia sẻ của quý vị đến với họ. Nguyện xin Ơn Trên ban phước cho quý ân nhân.. Cảm ơn chú Phùng Mai rất nhiều.

Monica Nguyên Thị Ngọc Lụa

Thursday, August 10, 2023

Tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng một tù nhân lương tâm mới thoát khỏi nhà tù CS ngày 5-7-2023. Anh có khả năng trí nhớ tuyệt vời. Anh cũng là dịch giả của 2 cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt do NXB Tri Thức của GS Chu Hảo ký hợp đồng và anh cũng là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Thế mà anh đã bị CSVN bắt bỏ tù 2 lần và bị nhốt vào bệnh viện tâm thần và ép uống thuốc tâm thần. Mời quý vị theo dõi.

Monday, December 12, 2022

Hỗ trợ Trung Thu 9-2022 dành cho các con em gia đình TNLT người Ê Đê.

Cảm ơn cô Monica Nguyễn Ngọc Lụa đã lặn lội đến các buôn làng để cho các con em TNLT bữa tiệc Trung Thu. Bữa tiệc này chỉ đáng giá $300AUD vậy mà công an CSVN đã theo dõi sát nút. Một chính quyền mà sợ những người phụ nữ và trẻ em, phải theo dõi họ từ khi đến cho đến khi về, chính quyên này có xứng đáng để người dân tôn trọng hay không?








Friday, May 6, 2022

Hỗ Trợ TNLT Jarai đầu tháng 4-2022

Một TNLT người Jarai, sinh năm 1985, Bị bắt năm 2014, kết án 8 năm tù giam. Vừa được ra tù vào đầu tháng 4-2022. Hiện đang cư ngụ tại huyện Chư Pưh, Gia Lai. QTNLT hỗ trợ $500AUD để anh chữa bệnh và chúc mừng anh ra khỏi tù đồng thời cũng giúp gia đình một bữa tiệc mừng Easter, người theo đạo Tin Lành gọi là ngày lễ mừng chúa Phục sinh. Họ gởi lời cảm ơn đến mọi người trong QTNLT. Ai nghe được tiếng người Jarai thì làm ơn dịch sang tiếng người Kinh dùm!( đùa thôi)

Sunday, February 6, 2022

PHÂN ƯU

Chúng tôi được tin ông Phan Thanh Ý sinh năm 1950 người bị kết án 14 năm tù trong vụ án mang tên "hội đồng công luật công án Bia Sơn". Ông bị bệnh nặng trong suốt thời gian cầm tù, ông vừa qua đời hôm 5-2-2022 chỉ sau 2 tháng được "khoan hồng" mãn hạn tù sớm hơn bản án. Ông được về nhà vào ngày 23/11/2021 và đã qua đời khoảng 2 tháng sau đó. 

Tòa án Phú Yên đã xử nhiều người lớn tuổi trong vụ án Ân Đàn Đại Đạo hoặc có tên tên khác là "Công Án Bia Sơn". Người đứng đầu vụ án là ông Phan Văn Thu lúc đó 65 tuổi, người bị xem là thủ lĩnh và bị kết án chung thân với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 21 người còn lại thuộc Ân Đàn Đại Đạo bị tuyên án rất nặng từ 10 năm đến 17 năm cùng tội danh trong đó có ông Phan Thanh Ý vừa qua đời. 

 Trong quá khứ, nhiều TNLT sau khi được "Khoan Hồng" đã chết ngay sau đó như vụ thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, Siu Y Thịnh... Hầu hết các TNLT người Jarai và Ê đê bị lãng quên, đã chết âm thầm do sự sợ hãi của gia đình và ngôn ngữ bất đồng. Quỹ Tù Nhân Lương Tâm thành thật chia buồn cùng gia đình ông Phan Thanh Ý. 

 Hình ảnh đính kèm là những TNLT người Ê đê và Jarai đã qua đời sau khi được "khoan hồng" về nhà trước khi hết án tù.

Tuesday, January 14, 2020

Hội Chợ Tết Footscray 2020

Nhân dịp hội chợ tết tại Footscray Victoria. 12/1/2020. Qũy tù nhân lương tâm kêu gọi mọi người ủng hộ các anh em tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Để hỗ trợ các TNLT quý vị có thể vào website www.tnlt.net

Monday, January 6, 2020

Hội Chợ Tết St Albans 2020


Chào bạn. Năm 2020 chắc chắn có nhiều biến động. Chưa chi mới tuần đầu tiên mà thế giới nín thở theo dõi vụ Tổng Thống Mỹ Donald Trump “khử” ông tướng đầy uy quyền Qasem Soleimani của quân đội Iran mà nhiều người cho rằng chuyện này có thể là ngòi nổ cho chiến tranh thế giới thứ 3! Xứ Down Under thì chìm trong biển lửa vô tiền khoáng hậu. Cộng đồng mạng hải ngoại thì ồn ào quanh vụ một phát biểu của MC NNN khiến nhiều người bức xúc phản đối. Việt Nam thì nổi cộm vụ tham nhũng hối lộ “vĩ đại” của quan chức đảng viên đầy tớ nhân dân qua việc bán mua công ty điện thoại AVG... và dĩ nhiên còn nhiều chuyện lớn nữa nhưng không nằm trong “tầm bắn” của bài viết nhỏ này. Nói vậy chứ chưa chắc nhỏ đâu vì ai dám nói tình người, lòng vị tha, lương tâm là chuyện nhỏ!

 Có lẽ vậy, không có CĐ nào mà “ham chơi” như CĐ Việt Nam tại tb Victoria... hằng năm có tới 4 Hội Chợ Tết (HCT), đó là chưa kể nhiều hội chợ quy mô nhỏ hơn tại các chùa và nhà thờ vào đêm Giao Thừa và điều này có nghĩa là anh chị em trong tổ chức Quỹ Tù Nhân Lương Tâm (QTNLT) lại bận rộn tại các hct “lợi dụng cơ hội” ngữa tay cúi đầu xin tiền cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang khốn đốn trong tù vì tội yêu nước và gia đình họ thì bị bọn vô lương tâm phong toả, trù dập, đe doạ, khủng bố... St Albans năm nay cũng là hct “tiền đâu” như mọi năm... và chưa bao giờ chúng tôi vui sướng vì... trời mưa như năm nay! Từ sáng sớm những hạt mưa như những hạt châu mang không khí trong lành, mát mẽ cho thế gian đẩy lùi biển lửa đang hành xác quê hương này trong suốt mấy tuần qua! Nước mắt, mồ hôi, sinh mạng, tài sản... mất mát làm sao kể xiết! Mưa mà vui là thế!

Lều QTNLT năm nay cũng “nghèo nàn, đơn giãn” như mọi năm nhưng lại được trang bị bằng những tấm lòng yêu nước yêu dân chủ tự do của những chuyên gia “móc túi” lì lợm như Phụng Mai, Quang Duy, Đức Trần, Xuân Trang, Dương Canh Dần v.v... Nhìn chung lều QTNLT năm nào cũng ồn ào, xôm tụ vui nhộn lúc nào cũng vang tiếng đàn tiếng hát. Năm nay có Xuhi, Thiên An, Hồng Yến những ca sĩ dễ thương sốt sắng nhiệt tình lâu năm trong cộng đồng đủ trên mọi sân khấu... họ say sưa hát nhạc đấu tranh, nhạc quê hương, nhạc tình... đủ loại, đủ điệu miễn sao ông đi qua bà đi lại động lòng mở túi đóng góp là vui rồi. Hình ảnh Xuhi vác cây đàn violin say sưa trình diễn sau lon tiền Bushfire Appeal thật đẹp và thật ấn tượng... Người mình rất nhạy cảm với kẻ khốn cùng và người yếu thế cô, họ hoan hỉ đóng góp, hình như bất cứ cuộc gây quỹ nào dù nhỏ hay lớn dù xa hay gần... Khi đang viết dòng này thì mưa vẫn đang rơi trên những vùng lửa cháy, tin tức cho hay mưa còn tiếp tục và có thể một vài nơi có bão lụt! Thiệt tình! Trời phạt chăng?

Thôi, chuyện thiên tai, chuyện thế giới là chuyện lớn, bài này là chuyện nhỏ, chuyện “lương tâm” nhưng viết làm sao cho cùng. Xin cám ơn tất cả các tấm lòng nhỏ đã giúp làm nên chuyện lớn.

Hẹn gặp lại các bạn tại lều QTNLT tại HCT Footscray (12.1.20). Richmond (19.1.20). Sandown (1-2.02.20)

 Viễn Trình 070120

Friday, July 5, 2019

Đài phát thanh Hồn Việt 3ZZZ FM hỏi thăm POCF trong dịp sinh nhật 10 tuổi.

Quỹ Tù Nhân Lương Tâm hân hạnh được đài phát thanh Hồn Việt 3ZZZ FM hỏi thăm trong dịp sinh nhật 10 tuổi. 

Wednesday, March 27, 2019

Ksor Ruk Vừa Bị Xử 10 Năm Tù.

Tù Nhân Lương Tâm Ksor Ruk sinh năm 1975 người sắc tộc Jarai. ông có 5 người con, đứa lớn 20 tuổi và đứa mới sinh 1 tháng tuổi. Gia đình ngụ tại buôn Toát xã ia Siêm huyện Krong Pa tỉnh Gia Lai.

Ông Ksor Ruk là chấp sự trưởng truyền đạo Tin Lành một giáo hội  không được nhà nước cho phép hoạt động, tuy thế ông vẫn luôn liên kết các chấp sự trưởng khác ở Gia Lai, kêu gọi họ không nên từ bỏ nhóm họp cho dù bị đàn áp cản trở. Năm 2007 ông bị bắt tù 4 năm. Sau khi ra tù vào năm 2011 ông lại kêu gọi nhóm họp và rao giảng tin mừng phúc âm. Vào ngày 28/9/2018 công an tỉnh Gia Lai bao vây phong tỏa khu vực Krong Pa và sông Hing, bắt giữ 40 người trong đó có ông Ksor Ruk và mục sư Ksor Kla.  Mục sư Ksor Kla bị đột quỵ và chết sau thời gian ngắn bị giam ở đồn công an.

Đây là câu chuyện của mục sư Ksor Kla 

Vào ngày 15/3/2019 tòa án tỉnh Gia Lai xử phạt ông Ksor Ruk 10 năm tù giam, hiện nay ông đang bị giam tại T20 tỉnh Gia Lai. Công an đã vào nhà ông cướp đi tất cả các hình ảnh và giấy tờ của ông, dưới đây là tấm hình duy nhất của ông Ksor Ruk còn treo trên tường, tấm hình thứ hai là vợ ông vừa sanh con được 1 tháng. Gia đình rất nghèo khó mong được mọi người giúp đỡ.

Việc giúp đỡ những người thượng tây nguyên rất khó khăn vì họ thường xuyên bị công an lừa gạt cho gạo, cho tiền để rồi vu khống tội nhận tiền phản động. Những ai muốn hỗ trợ người này xin liên lạc
Quỹ Tù Nhân Lương Tâm.



Monday, March 18, 2019

HỌP THƯỜNG NIÊN QUỸ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM 2019

Bắt đầu lúc 7.30pm 17.03.2019.
Hiện diện: Hai HoKhuc Linh LeDuong Hoa, Quang Duy, Huy Adam Tong,Duc TranHoang DoanXuan Trang TieuUyên Di, Viễn Trình, Phùng Mai, Dương Canh Dần, Bác Nga.


1. Nhìn Nhận Những Nhân Vật Đóng Góp Cụ Thể Cho QTNLT
- Thảnh viên mới là chị Hoàng Anh Đoàn người nhận lời hỗ trợ $100aud mỗi tháng.
- CĐNVTD Victoria: nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền anh Phùng Mai đã được mời đến và đã nhận được một số tiền khoảng $600 do CĐ gây quỹ được trong ngày
- Cô Lành, một người có mặt trong buổi văn nghệ Quốc Tế Nhân Quyền sau khi được Cộng Đồng giới thiệu về QTNLT đã trao $3000 để góp tay ủng hộ tù nhân lương tâm
- Tám Ru: thay mặt QTNLT anh PM tặng Tám một món quà lưu niệm thay lời cảm ơn Tám mấy năm qua đã âm thầm và rất tận tâm giúp sắp xếp/ tổ chức các buổi gây quỹ ở các hội chợ Tết.
- Cảm ơn anh Huy Tống trong thời gian 2 năm qua đã làm việc rất chu đáo trong công việc chuyển gởi tiền về cho tnlt tại VN
2. Phần Báo Cáo Tổng Kết Hổ Trợ Và Chi Tiêu Năm 2018
($42000 - Xem hình đính kèm bên dưới)
3. Các Chuyện Bên Lề
- Tường trình về cách gởi tiền trong thời gian vừa qua - rất phức tạp cho cả bên gởi và bên nhận tiền
- Hiện giờ anh Huy đã tìm được, công ty Hải Hà chuyển tiền tư nhân không qua ngân hàng nhà nước VN. Công việc chuyển tiền nhận thấy có phần đơn giản hơn
- QTNLT vẫn đặc biệt quan tâm đến các tnlt ở miền núi
Buổi họp kết thúc lúc 8.15pm
Sau đó là buổi ăn tối họp mặt.

Note: Tôi copy FB Thúy Hạnh vào đây để mọi người biết khi người ở VN nhận tiền ngân hàng nhà nước phức tạp thế nào, tôi đã kể lại trong VDO trong buổi họp quỹ TNLT ở trên.

Image may contain: text

Tuesday, January 22, 2019

Hội Chợ Tết Footscray và Richmond

BẠN HIỀN.

Con heo (lợn) là con vật tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc, an nhàn, đơn giản. Ngày xưa nhà nào có chuồng heo thơm phức mùi phân, vài ba con heo ủn a, ủn ỉn, lười biếng trong chuồng thì đích thực nhà đó không khá thì cũng no ấm... Người tuổi Hợi bề ngoài vui vẻ nhưng nội tâm lại đa sầu đa cảm, có lương tâm, trọng nhân nghĩa và hay giúp đỡ người yếu thế cô... rất hợp với mục đích và hoạt động của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm (QTNLT)!

Không như mấy năm trước, năm nay không chắc sẽ có “lời” vì chi phí thuê gian hàng quá cao QTNLT buộc phải “bỏ” không tổ chức gây quỹ tại HCT St Albans... đến HCT Footscray và Richmond thì được “thần Heo” phù hộ BTC cả hai HCT cho một “chuồng heo” 4m2 free không tính tiền.  Footscray, cánh cổng mở về các vùng miền tây, nơi định cư của đông đảo người Việt, Tết năm nào cũng tưng bừng đón xuân dưới cái tên vừa ấn tượng vừa đa văn hoá “East Meets West-Đông Tây Hội Ngộ” thu hút đông đảo khách du xuân. HCT Richmond bên hông city thủ phủ của những nhà hàng Việt nổi tiếng cũng thu hút không kém số lượng người ghé chơi. Tại cả hai HCT gian hàng QTNLT cũng với chiến thuật cũ: ca hát, nhảy, múa, free nước lạnh với hàng chữ “NƯỚC KHÔNG BÁN, KHÔNG BÁN NƯỚC!” và quan trọng nhất vẫn là hai khung hình đầy kín những hình ảnh những tù nhân lương tâm và nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền do công an công sản đàn áp đánh đập dã man... nói chung họ là những người nghèo, thê lương nhưng giàu chính nghĩa, nhân bản và lòng nhân ái vì vậy đã gây chú ý cho nhiều khách du xuân. Cám ơn các anh chị em nghệ sĩ đã đến giúp vui góp lời ca tiếng hát, điệu múa đẹp không những trong ý nghĩa mà còn trong phong cách thể hiện và một lòng đồng hành với QTNLT hướng về quê hương VN cho các TNLT đang bị đọa đày vì tội yêu nước. Xin cám ơn nhóm múa Âu Cơ, Đình Doanh, Vũ Lâm, Hồng Yến, Mai Ly, Mỹ Linh, Kim Ngân, Đức Dũng, Nguyễn Long, Xu Hi, Phúc Minh, Thủy Tiên và nhiều ca sĩ khác nữa. Hẹn gặp lại các bạn tại HCT do BCH CĐ tổ chức tại Sandown Racecourse vùng Noble Park vào cuối tuần 26-27/1 sắp tới.

Sau đây là kết quả số tiền gây được do “Tù trưởng” Phùng Mai người đã đấu tranh không biết mệt mỏi trong suốt 10 năm qua cho TNLT VN, cập nhật:
HCT Footscray: $3945
HCT Richmond: $1770

Người ta nói năm Heo là năm sướng nhưng riêng với chúng tôi có lẽ khi nào Việt Nam không còn TNLT lúc đó thì chắc chắn sẽ cực sướng bất luận năm đó là năm con gì!

Viễn-Trình
22.01.19

Image may contain: 7 people, including Pham Mai and Phung Mai, people smiling, people standing and outdoor

Image may contain: 2 people, people smiling, people standing and outdoor

Image may contain: 3 people, people on stage and outdoor

Image may contain: 4 people, including Son Nguyen, outdoor

Image may contain: 7 people, including Pham Mai and Phung Mai, people smiling, people standing and outdoor







Friday, December 28, 2018

SBS Radio: Hạt Giống Yêu Thương (221) Quỹ TNLT Melbourne, Mười Năm Một Chặng Đường

By 
Mai Hoa

Quỹ TNLT thành lập năm 2009 bước đầu chỉ từ ba người bạn với nhau muốn đồng hành cùng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Luật sư Lê Thị Công Nhân khi hai người phụ nữ này bị chính quyền bức hại và cầm tù.

Từ đó đến nay có không biết bao nhiêu buồn vui theo những người lập quỹ. Những tấm lòng của người cho và những gian truân của người nhận đủ để chùng lòng người nghe.

Bắt đầu với ba người bạn hai ở Melbourne và một ở Sydney Trúc Lê, Phương Duy và Phùng Mai họ là những người tiếp cận với internet rất sớm ngay từ những năm 90s của thế kỷ trước.


Anh Phùng Mai cư dân Melbourne, kỷ sư tin công nghệ thông tin cho biết nhóm bạn anh vốn là những người thạo về kỷ năng mạng nên từ năm 1995 họ đã được đọc và tiếp xúc với lớp những nhân sĩ trí thức đầu tiên ở Việt Nam những người lên tiếng với chính quyền cộng sản như Tướng Trần Độ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ những bài viết qua lại giữa hai bên.

Những cuộc trao đổi giúp ba người bạn biết khá rõ tình hình Việt Nam qua đó biết chuyện lên tiếng của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Ls Lê Thị Công Nhân biết những gì mà chính quyền cộng sản hành xử với những người có tiếng nói phản biện và từ đó để đồng hành cùng hai người phụ nữ quả cảm này khi họ bị nhà cầm quyền cộng sản VN bỏ tù:

Để quỹ TNLT hoạt động một cách chính danh tránh những phiền phức không đáng có từ những hiểu lầm, quỹ TNLT được đăng ký với chính phủ tiểu bang VIC thế nhưng việc đăng ký lúc đầu chẳng dễ dàng gì và cũng phải mất một thời gian chính quyền tiểu bang mới cho thành lập vì họ sợ cái tên Qủy TNLT

Đó là những năm 2009, rồi thì quỹ cũng có thể đăng ký được.

Một đặc điểm của Quỹ TNLT Melbourne là tập trung vào những người tù nạn nhân yêu nước tù tôn giáo ít người biết đến đặc biệt là tù nhân dân tộc ít người đi tù vì niềm tin tôn giáo của họ.

Anh Phùng Mai người điều phối quỹ cho biết không quỹ muốn sang sẻ tình thương với những người thấp cổ bé miệng nhất những con người mà lòng yêu nước, sự quả cảm và lòng hướng thiện của họ cũng vun đầy như bất kỳ những người lên tiếng nào và họ khó khăn gấp bội phần vì gia đình họ bị áp bức đến mức bỏ rơi họ.

Huỳnh Thục Vy và những người Thượng, họ phải che mặt để tránh sự bạo hành của chính quyền


Nhìn qua cái cách người dân bị hành bị hạch xách phiền nhiễu và mắng mỏ mỗi khi có việc cần đến hay va chạm với công quyền có thể thấy sự phân biệt thứ hạng rõ rệt trong xã hội giữa dân thường và quan chức.

Đó là là với người Kinh, những người sống ở thành phố, còn đối những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên hay ở miền núi phía Bắc thì sự bất công và sự bị chà đạp còn kinh hoàng hơn nhiều lần.

Bât cứ ai có dịp về Việt Nam đi về các vùng người dân tộc thiểu số đều có thể nhận ra sự nghèo khổ đến đau lòng của dân chúng nơi đây.

Điều đáng buồn nhất họ làm việc rất cần mẫn từ đàn ông đến phụ nữ từ người già đến em bé tất cả đều làm việc quần quật trên nương trên rảy dọc theo các đường du khách đi qua thế nhưng cái công sức lao động đã không đem lại cho bản thân, gia đình và khu vực của họ một cuộc sống sung túc tương ứng.

Đó là chỉ nhìn bề ngoài, với những người có niềm tin Thiên Chúa Giáo thì ngoài sự cùng khổ về vật chất sự đàn áp về tinh thần còn khiến đời sống của họ kinh hoàng hơn rât nhiều lần nhất là họ những người dân tộc chơn chất không rành tiếng kinh và không khả năng tự bảo vệ mình.

Nguyễn Ngọc Lụa và hai người Thượng Tây Nguyên, họ cũng phải che mặt để tránh bị chính quyền tấn công

Xuất thân từ Ban Mê Thuộc, anh Phùng Mai có một sự hiểu biết và tình cảm đặc biệt dành cho người Thượng Tây Nguyên.

Trong câu chuyện về những gì mà những người Thượng Tin lành và Công giáo gánh chịu chỉ vì niềm tin tôn giáo của mình, có lúc anh Phùng Mai đã không giấu nổi sự rung rẩy của mình khi nhắc đến những khốn cùng mà những con người hiền lành này phải chịu từ chính cái gọi là chính quyền nhân dân hành xử với họ, một sự man rợ mà chính quyền Cộng Sản đối đãi với người dân.

Những câu chuyện buồn như vậy rất nhiều ở Việt Nam.

Có những người thì dễ dàng quay lưng đi nhưng có những người như nhóm Quy TNLT thì không.

Để quỹ có thể hoạt động và giúp đỡ những người yêu nước, những tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo, tù nhân sắc tộc là có sự đóng góp của rât nhiều những người Việt thầm lặng bên ngoài Việt Nam.

Có người người đi làm thêm handyman để dành tiền đểu đặn hàng năm đóng góp lên tới $6000 cho quỹ như như anh kỷ sư Peter Le làm việc cho council ở Sydney.

Cũng có người chỉ góp $30 nhưng cố gắng đều đặn mỗi tháng như một cựu chiến binh VNCH định cư ở Hoa kỳ.

Có người trong giới văn nghệ như anh Trương Minh Tịnh ở Sydney và chị Dương Hòa ở Melbourne tổ chức những sô diễn để có tiền ủng hộ TNLT bên cạnh những hoạt động tường ngày của mình.

Có những ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất như cố họa sĩ Trần Thúc Lân, người đã vẽ gần như hầu hết tranh chân dung các tù nhân lương tâm và vô số những người thầm lặng đã mua những bức tranh này hay đơn giản chỉ tìm cách đóng góp vào quỹ bằng cách này hay cách khác.

Những người yêu nước các tù nhân lương tâm, những tù nhân tôn giáo người sắc tộc - những con người thấp cổ bé miệng đang bị chà đạp chỉ vì muốn thực hành tôn giáo của họ như những người Thượng ở Tây nguyên người Hmong ở Tây bắc đang rất cần một tiếng nói một cánh tay đưa ra cho họ.

Để giúp làm giảm nỗi đau cho đồng bào đang bị đày đọa trong sự cường quyền đến mức tàn ác cần thêm nhiều người cùng lên tiếng và cùng cúi xuống thật gần để nhìn nhân gian rướm máu và quốc gia đang nguy nàn.





Monday, August 20, 2018

Tổng kết hằng năm báo cáo tài chánh 2017



Tại Maribyrnong - Victoria

Bắt đầu 7.10pm
Hiện diện; Phùng Mai, Bé Hai, Ngọc Tân, Huy Tống, Chu Sinh, Quang Duy, Xuân Trang, Mai Linh, Uyên Di, Lê Phú, Viễn Trình, Đức Trần
1. Báo cáo sinh hoạt/ tài chánh (xin xem hình đính kèm báo cáo)
2. Trình bày việc làm cụ thể của mỗi vai trò
- Anh Phùng Mai là Hội Trưởng với các công việc tìm hiểu các tù nhân lương tâm mới, liên lạc với họ để nâng đỡ, ủng hộ tinh thần. Hiện giờ công việc này đang cần người giúp gánh đỡ.
- Sau khi tìm hiểu về người tnlt, Hội Trưởng PM đưa thông tin qua cho anh Huy Tống là thủ quỹ để chuyển khoản tài chánh
- Thực hiện các cuộc trò chuyện với những tnlt đã nhận được sự giúp đỡ, với sự đồng ý của họ, anh PM đưa vào trang web của QTNLT để cập nhật thông tin cho các thân hữu của quỹ.
- Anh Huy Tống cũng trình bày công việc của mình và sắp tới anh sẽ làm một database hầu kiểm soát và giúp cho việc quyết định gởi tiền cho tnlt một cách công bằng và hiệu quả hơn.
- Uyên Di là thư ký đã ít nhiều giúp kêu gọi sự hợp tác của các ca sĩ địa phương trong các hội chợ Tết cộng đồng. Anh Viễn Trình là thân hữu của QTNLT và là người sinh hoạt thường xuyên với thành phần ca sĩ, nên sự đóng góp của anh Viễn Trình cũng cần được ghi nhận trong việc sắp xếp cho sự tham gia của các ca và nhạc sĩ ở các buổi gây quỹ hội chợ Tết cộng đồng. Trong thời gian qua cô Uyên Di chưa thật sự có giờ để tham gia một cách năng nỗ nhưng sau tháng 10.2018 sẽ làm việc nhiều hơn với anh Phùng Mai.
Sẽ có video record do anh PM thực hiện trên website của QTNLT.
3. Bầu lại BCH: vì tình hình thiếu nhân lực trầm trọng nên vẫn giữ nguyên các chức vụ cũ.
4. Tổ chức BBQ cảm ơn các thân hữu đã giúp đỡ QTNLT trong công việc gây quỹ
- Cả nhóm đồng ý sẽ tổ chức vào 1 cuối tuần tháng 11, tại công viên Canning vùng Avondale Heights
- Cô Mai Linh và Uyên Di sẽ đảm trách công việc này.
5. Ra mắt sách của cô Thanh Nghiên
Sau những bàn bạc thiệt hơn xét trên các mặt:
- Kinh phí in ấn
- Nếu không in, kinh phí chuyển tải từ một nơi khác
- Tạo tiếng vang bằng kết quả cụ thể là bao nhiêu người sẽ mua sách?
- Để được công bằng, trong tương lai nếu các tnlt khác có viết sách thì QTNLT bắt buộc cần phải thực hiện buổi ra mắt sách tương tự như nếu chúng ta làm cho cô Thanh Nghiên
- Công việc này không nằm trong khả năng (tài chánh lẫn nhân lực) và không thuộc vào mục tiêu của QTNL
- Đưa đến quyết định QTNLT sẽ không in hay ra mắt quyển sách NHỮNG MẢNH ĐỜI SAU SONG SẮT của Phạm Thanh Nghiên.
Cuộc họp kết thúc lúc 8.15pm
Biên bản họp ghi lại do cô Uyên Di


Tuesday, July 3, 2018

NHỮNG NGƯỜI ANH EM BỊ "LÃNG QUÊN"

Hôm nay, tôi viết những dòng này trong bối cảnh đất nước nằm trước nguy cơ Bắc thuộc, hàng ngàn ngư dân khốn đốn vì Formosa, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền tên tuổi đang trong lao tù..., quả thật có thể đoán trước rằng những tâm tư dưới đây sẽ bị phớt lờ đi vì những điều tôi chia sẻ "có vẻ" chẳng quan trọng mấy so với hàng chục vấn đề nổi cộm khác. Nhưng tôi nhận thấy trách nhiệm của chính mình ở đây và sự cần thiết phải nêu bật câu chuyện không chỉ mang tính lương tâm mà còn là biểu hiện của tư duy này.
Năm 2004, Việt Nam chứng kiến hàng nghìn người sắc tộc ba tỉnh Tây nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai từ các buôn làng, đi trên xe máy và xe công nông đổ ra các ngã đường dẫn vào trung tâm các tỉnh lị để phản đối sự kỳ thị sắc tộc, đòi quyền tự do tôn giáo (Tin Lành) và quyền tư hữu đất đai. Cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành bạo động vì công an dùng súng và dùi cui để đối phó với sự ôn hòa của người sắc tộc chất phác và bần cùng.
Hãy nhìn lại sự việc ở Phan Rí để hiểu về cuộc biểu tình sắc tộc 2004. Người dân, mà lại là những người sắc tộc đa số không được đến trường và không biết tiếng Kinh, phản ứng thụ động trước các tình huống được tạo ra bởi một lực lượng được đào tạo chính quy để chống lại họ, công an là những kẻ châm ngòi bạo lực và hệ thống tuyên truyền của họ, như chúng ta đã biết, vẽ ra hình ảnh người sắc tộc biểu tình như là những kẻ hung hãn, mọi rợ. Và tất nhiên họ không quên định danh kẻ chủ mưu của "bạo loạn" 2004 là Nhà nước Dega (Montagnard Dega Association), tương tự như cách dùng con ngáo ộp Việt Tân trong hầu hết các vu khống về các cuộc biểu tình, các cuộc lập hội của người Kinh vậy. Sau này, khi làm bạn với nhiều người Thượng TN, tôi mới nhận ra rằng, hầu hết họ không biết cái gì là Nhà nước Dega cả, họ chỉ biết đất đai tổ tiên họ bị cướp, họ bị bần cùng hóa và nhiều anh em họ bị đánh đập dã man vì dám thực hành tôn giáo mà không xin phép chính quyền.
Người dân cả nước, đặc biệt là miền Trung hồi đó, nói rất nhiều về "bạo động" ở Tây nguyên. Người Kinh (tạm gọi vậy) dân thường hầu hết vẫn thầm hả dạ vì vốn không ưa chính quyền chuyên hà hiếp dân lành, nhưng mặt khác, vẫn để bụng dè chừng người sắc tộc vì đồng nhất tất cả những người Thượng ở Tây nguyên là những kẻ đòi ly khai, là Fulro...Hồi ấy, tôi chỉ mười chín đôi mươi, nghe người lớn bàn tán về cuộc biểu tình với tâm thế người ngoài cuộc. Người Kinh ở cả nước đã vậy, người Kinh ở Tây nguyên cũng không hơn, họ nín thinh, họ thờ ơ trước hàng trăm anh em người Thượng ngã xuống dưới bánh sắt thiết giáp, hàng trăm người bị bỏ tù hàng chục năm trời (có hoặc không có xét xử), hàng trăm người khác bị đưa vào rừng thủ tiêu...Người Kinh đã đứng ngoài trong cuộc đấu tranh đòi Công lý của anh em mình năm ấy.
Đến hôm nay, trong ý thức của đa số những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, cuộc đấu tranh chống độc tài này chỉ thuộc về những: Nguyễn Văn, Trần Thị...chứ không có Y, H'...Thật vậy, việc không ý thức sự hiện diện rất sống động của người Thượng Tây nguyên nói riêng hay người sắc tộc cả nước nói chung, trong cuộc đấu tranh cho tự do này là do chúng ta bất cẩn, vô tâm, thiếu hiểu biết, hay là biểu hiện của một hình thức kì thị (gạt ra ngoài lề là kì thị chứ không gì khác). Hãy tự hỏi, chỉ có chúng ta mới là những người đấu tranh cho tự do (tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo...)? Chỉ có dân oan Dương Nội, dân oan Cần Thơ, dân oan Thủ Thiêm mới là dân oan, mới là những người đấu tranh cho quyền tư hữu đất đai? Chỉ có các linh mục, các sư thầy của các nhà dòng, các nhà chùa...mới đấu tranh cho tự do tôn giáo?
Không. Những người Thượng ở Tây nguyên gần 50 năm nay đã phải chịu cảnh cướp bóc trắng trợn từ chính quyền độc tài và cả từ những người Kinh được sự hẫu thuẫn của chính quyền. Đất đai của tổ tiên họ, chính quyền không cấp sổ đỏ dù vẫn để họ canh tác. Đến một ngày, họ nhận ra rằng mảnh đất nhà họ đang sống, đang trồng trọt nằm trong sổ đỏ của một người hàng xóm người Kinh. Nhiều câu chuyện như thế, không kể hết. Đó là chưa nói, sau cuộc bạo động 2004, nhiều người đàn ông trong các gia đình sắc tộc bị tù đày hoặc bị thủ tiêu, hoặc chết tại hiện trường biểu tình, những người phụ nữ phải chống chọi cuộc sống đầy sự khủng bố, với cả đàn con nheo nhóc mà bán rẻ dần đất đai của gia đình. Có hàng ngàn trường hợp như thế.

Rồi vì tổ chức họp nhóm Tin Lành tại gia (có khi phải họp ngoài rừng) không do chính quyền kiểm soát nên họ vẫn đang hằng ngày hằng giờ bị trù dập, đánh đập, sách nhiễu. Công an có thể chặn đường cướp điện thoại của bất cứ người nào họ thấy khả nghi, có thể xông vào nhà cướp máy tính, đánh người, bắt người mà thế giới bên ngoài không hay biết. Không ai hay biết một phần do chính người sắc tộc không có phương tiện thông tin (riêng phần này trong nỗ lực cá nhân của mình, tôi đã giúp được một số ít anh em có được phương tiện cần thiết); một phần khác là do chúng ta không chủ động, sốt sắng tìm kiếm thông tin về họ. Nhiều người trong chúng ta khó mà tưởng tượng được lễ Giáng sinh của các anh chị em Tin lành sắc tộc ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum hàng chục năm nay diễn ra trong trấn áp, trong nước mắt và máu.
Ngoài một vài mục sư người Kinh (mục sư Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hồng Quang, Phạm Ngọc Thạch...) có liên kết và sống gần gũi với người Thượng để hỗ trợ, dẫn dắt họ trong lĩnh vực tôn giáo và nhân đạo, phần lớn chúng ta vẫn xem họ là những người ngoài trong cuộc đấu tranh "của chúng ta". Ngoài Quỹ Tù nhân Lương tâm Úc châu ra, có nhà hoạt động nào trong nước hỗ trợ họ và thực lòng nghĩ đến những người anh em này với tư cách những người "cùng hội cùng thuyền", cùng là những người bị bách hại vì đấu tranh cho Nhân quyền, cũng là những (cựu) tù nhân lương tâm chứ không chỉ là những nạn nhân đáng thương ở vùng sâu vùng xa vô danh nào đó? Chúng ta thỉnh thoảng than thở với nhau về lực lượng đấu tranh chống độc tài còn mỏng. Mỏng chỉ vì chúng ta không biết hay không chịu liên kết với những người anh em này thôi. Chúng ta lên án chính quyền cộng sản kỳ thị sắc tộc nhưng bao nhiêu người trong chúng ta thực tâm coi người sắc tộc là những người đồng đẳng, là bạn, là chiến hữu trong cuộc đấu tranh cho tự do hiện tại, và đồng hành trên con đường đi tới tương lai? Thiếu sót này không những làm cho các nỗ lực chung của chúng ta khó hoàn thành hơn, mà còn có nguy cơ làm thay đổi bản chất của lý tưởng mà chúng ta ôm ấp.
Con số nhiều triệu người không quyết định được một cộng đồng có phải là một dân tộc hay không. Một cộng đồng chỉ được xem là một dân tộc thực sự nếu họ đủ đồng thuận để sống chung, có những quyền lợi chung và có những đề án chung đi tới tương lai. Nếu không có những biểu hiện này, hơn 90 triệu người trên đất nước hình chữ S không phải là một cộng đồng dân tộc đúng nghĩa, và nhiều khả năng sẽ thất bại với các kế hoạch chỉ dành cho một dân tộc thực sự.
Cuộc đấu tranh này là để thay đổi tiền đồ của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, trong đó có hơn 10 triệu người sắc tộc. 10 triệu người đó đứng ở đâu trong lý tưởng đấu tranh và trong các đề án dân chủ hóa của chúng ta? Chính quyền cộng sản trù dập người sắc tộc, nhưng ít nhất họ có cô hoa hậu H'Hen để mua chuộc lòng người, để tạo ảo tưởng về bình đẳng sắc tộc. Những người đấu tranh cho tự do dân chủ người Kinh đã làm gì để giúp anh chị em người Thượng cảm thấy mình được dự phần vào các dự án tương lai của "dân tộc" này? Rất nhiều câu hỏi như thế buộc chúng ta phải trả lời nghiêm túc và thực lòng.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô 3/7/2018

Monday, February 5, 2018

Cuộc Vui Nào Rồi Cũng Tàn

Bạn hiền.

Sau bốn cuối tuần liên tiếp chuỗi Hội Chợ Tết Mậu Tuất (HCT MT) tạm kết thúc bằng HCT lớn nhất là HCT tại Melbourne Showground của Cộng Đồng người Việt Tự Do mà đặc biệt là sự tham gia tổ chức của giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật vừa rồi.

Theo tôi, có lẽ không có nơi nào trên trái đất này có nhiều HCT như tiểu bang Victoria Australia.

Còn mười ngày nữa mới đến Tết nhưng tổng cộng đã diễn ra 5 HCT rồi, đó là chưa kể các buổi đón Giao Thừa do các chùa tổ chức, thu hút đông đảo Phật Tử và đồng hương tham dự. Người đi du xuân cũng đã mệt rồi huống chi ban tổ chức. Nhiều HCT thật ra cũng có nhiều điều hay, nó tạo điều kiện cho người Việt sống rải rác khắp nơi trên TB Victoria có dịp tham dự, vui chơi HCT gần nơi mình đang sống nhất.

Riêng đối với Quỹ Tù Nhân Lương Tâm (QTNLT) thì đây là dịp "làm ăn" quan trọng nhất trong năm. Cứ vào dịp gần “mùa” Tết là anh em trong QTNLT lại ngồi xuống bàn bạc, thảo
luận làm sao để kết quả quyên góp được nhiều nhất... Diễn đàn email của QTNLT mà thành viên sống khắp nơi trên thế giới lại nóng lên, kinh nghiệm, ý kiến đóng góp đổ về như "sáo sang sông".

Năm nay có những ý kiến được đem ra thực hiện là bình nước giải khát miễn phí “NƯỚC KHÔNG BÁN - KHÔNG BÁN NƯỚC". Ý kiến đơn giãn này tạo cho "mặt tiền" của gian hàng đông người hơn đơn giản là vì họ khát nước đến lấy nước uống và không ít người đọc câu trên và đứng suy gẫm.

Ý kiến thứ hai là mời gọi khách du xuân đóng góp tiếng hát. Ý kiến này tuyệt! Đã phát hiện nhiều giọng ca thật sự truyền cảm, mượt mà không thua chi ca sĩ, họ đem đến cho chúng tôi và khách du xuân nhiều ngạc nhiên, thú vị và cảm tình. Một quan sát nữa là khách du xuân thường hay dừng chân đông đảo trước gian hàng mỗi khi có những tiết mục "lạ" như múa, đàn dân tộc và nhất là các nữ ca sĩ duyên dáng trong tà áo dài “mong manh” với những bài xuân ca vui nhộn, vừa hát vừa nhảy múa tự nhiên tưng bừng.



Hai nhóm múa Âu Cơ và AVA trong lúc chờ trình diễn trên sân khấu chính cũng ghé gian hàng QTNLT để giúp vui. Các màn trình diễn của hai nhóm múa dân tộc này rất "ăn khách" Úc lẩn Việt đơn giãn là trang phục của họ rực rỡ, họ múa đẹp, yếu tố âm nhạc cổ truyền cũng gây rất nhiều thích thú, ấn tượng. Trong những lúc màn trình diễn nà diễn ra là lúc thùng tiền quyên góp tăng lên rất nhanh... Xin cám ơn cả hai nhóm múa hiếm hoi này, hy vọng sang năm họ sẽ hợp tác thành một màn múa "hoành tráng" để TNLT được nhờ.

Cũng xin cám ơn các anh chị em ca nhạc sĩ mà tôi đã nhắc nhiều lần trong các bài tường thuật trước, chính họ đã liên tục đem sinh khí lại cho gian hàng QTNLT trong suốt bốn HCT qua, sự đóng góp âm thầm của các anh chị tưởng như là để vui chơi nhưng thật ra rất thực tế, gian hàng cần họ như những TNLT hiện đang khao khát tự do trong nhà tù cộng sản.

Xin một lời cám ơn chung, chân thành đến các anh chị em thiện nguyện viên làm việc liên tục từ sáng đến tối, đứng đội nắng, ôm thùng tiền lạc quyên trước gian hàng không biết mệt là gì. Tôi tin là họ có một cảm tình sâu sắc với các TNLT và xa hơn nữa là một niềm tin vào một tương lai VN tự do dân chủ, nhân quyền.

Xin ngả mũ chào anh Phùng Mai, người mà chúng tôi gọi một cách thân tình là "Tù Trưởng"
anh đã liên tục trong chín năm qua với QTNLT, không hề quản ngại khó khăn và hầu như chưa bao giờ vắng mặt tại gian hàng QTNLT, anh lo mọi thứ từ trang trí gian hàng và dọn dẹp khi HCT “vãn tuồng”, anh liên tục cầm micro giới thiệu, kêu gọi đóng góp cho TNLTVN bằng cả hai ngôn ngữ, đó là chưa kể việc cùng ban điều hành QTNLT điều hành quỹ trong suốt chín năm qua.

Xin một lần nữa gởi một lời cám ơn chân thành chung đến tất cả các thiện nguyện viên trong tất cả mọi lãnh vực. Cám ơn các ban tổ chức HCT đã dành cho QTNLT mọi sự dễ dàng và đa số đã không tính tiền thuê gian hàng. 

Lời cám ơn cuối cùng đặc biệt nhất xin gởi đến tất cả thành viên CĐ đã đóng góp cho QTNLT, bất kể số tiền lớn hay nhỏ tất cả đều mang cùng một thông điệp là TNLT VN và gia đình của họ không cô đơn trong cuộc tranh đấu dành tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Sáng nay anh Phùng Mai gởi cho tôi tổng kết số tiền quyên góp được trong cả bốn HCT như sau:

HCT St Albans: $3838

HCT Footscray: $5614

HCT Richmond: $1635

HCT Melbourne Showground: $2680

Tổng cộng: $13,767.00

Số tiền này sẽ được QTNLT gởi về tận tay các gia đình TNLT Việt Nam qua nhiều hình thức, ít nhiều tùy theo từng hoàn cảnh của mỗi trường hợp. Một số sẽ nhận được trước ngày Tết như một món quà xuân của đồng bào hải ngoại yêu tự do dân chủ.

Chúc các TNLT VN một mùa xuân “an bình” trong tù và tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh. Chúc tất cả anh chị em thiện nguyện viên và ban điều hành QTNLT một năm Mậu Tuất thân tâm an lạc, vui hưởng trọn vẹn không khí tự do thanh bình trên xứ Kangaroo bao la này. Hẹn gặp lại các anh chị em và các bạn vào các HCT năm tới nếu Việt Nam còn Tù Nhân Lương Tâm.

Thân ái

Viễn Trình

5/2/2018










Monday, January 29, 2018

Tường trình diễn biến tại hội chợ tết Richmond 2018

Tiểu bang Victoria mà thủ phủ là thành phố Melbourne năm 2017 lại được bầu chọn là thành phố “đáng sống” nhất trên thế giới (most liveable city). Melbourne còn là thành phố “nhõng nhẽo” nhất hành tinh, nóng, lạnh, mưa, nắng thất thường… nhiệt độ cách nhau 20 độ C đầu ngày đến cuối ngày là thường. Không như hai Hội Chợ Tết (HCT) St Albans and Footscray, HCT Mậu Tuất Richmond CN 28-1-18 thiếu hẵn yếu tố “thiên thời”, nắng nóng gay gắt từ sang đến tối. Thời điểm nóng nhất là khoảng 40C lúc 3 giờ chiều. Hầu hết các gian hàng đều vắng như “chùa Bà Đanh” cho đến khoảng 7 giờ tối khi thời tiết dịu xuống đôi chút thì khách du xuân mới dần dần xuất hiện lẻ tẻ. Một lý do khách quan nữa là HCT Richmond vào giờ cao điểm thì đồng thời diễn ra trận chung kết Australian Tennis Open giữa hai tay vợt top 10 là Roger Federer và Marin Celic tại sân Rod Laver Arina cách địa điểm HCT khoảng 3km, vì vậy mặc dầu gian hàng QTNLT có một vị trí thật tốt (địa lợi), một giàn thiện nguyện viên hùng hậu (nhân Hòa) vẫn phải “khoanh tay chờ thời”. Ban nhạc khởi động rất trể khoảng 6pm với những bản hòa tấu quen thuộc xen kẻ là những lời mời gọi của "Tù trưởng" Phùng Mai trong lúc mồ hôi nhể nhại đã gây chú ý của khách du xuân. Đến 8pm thì sự xuất hiện của nhóm tứ ca gồm Thu Hương, Kim Ngân Trần, Hồng Yến, Mỹ Linh, Trâm Anh trong trang phục áo dài ấn tượng qua những bàn nhạc xuân vui nhộn và nhóm múa AVA qua hai tiết mục múa duyên dáng là cao điểm về số lượng người dừng chân trước gian hàng QTNLT để theo dõi, chụp hình và quay phim trong niềm thích thú. Cũng xin nói đến một tấm lòng mà đến giờ phút này chúng tôi vẫn còn xúc động là vào khoảng 4pm thì có một vị ni cô người mảnh khảnh xuất hiện tại gian hàng trên tay cầm chặt một phong bì nhỏ và nói với tôi rằng: "Tôi nhận ra gian hàng QTNLT từ xa nhờ bài hát "Việt Nam Tôi Đâu (Việt Khang)" trên loa phát thanh của gian hàng." Vị ni cô này mở phong bì và từ tốn rút ra 200 đô la bỏ vào thùng lạc quyên và nói: "Tôi ra HCT này chỉ để đóng góp cho QTNLT và Tình Thương Foundation lo cho Thương Phế Binh VNCH rồi đi về." Câu nói này thật sự làm tôi xúc động, tôi nắm tay ni cô để cảm ơn và để hỏi tên nhưng vị ni cô này xin không cho biết quý danh... Tôi tiễn chân ni cô ra khỏi gian hàng và không quên cảm ơn ni cô một lần nữa. Tuần trước tại HCT Footscray một vị cao niên ghé qua gian hàng và bỏ vào thùng quỹ 250 đô la rồi im lặng biến mất theo đám đông. Chúng tôi biết nói sao cho đầy những cảm xúc của mình, chỉ xin ghi nhận nó như một hành trang, một động lực giúp chúng tôi tiếp tục làm việc theo mục đích mà QTNLT đã đặt ra từ đầu. Sáng nay anh Phùng Mai báo cho tôi biết là tổng số tiền gây được tại HCT Richmond là $1635.35, rất khích lệ mặc dầu thiếu hẵn yếu tố quan trọng hàng đầu là "thiên thời". Một lần nữa xin cám ơn anh Đức Định (Keyboard), Vũ Lâm (Saxophone), Su Hi (Violin) và Viễn Trình (Guitar). Các ca sĩ Su Hi, Nguyễn Hà, Thu Hương, Kim Ngân Trần, Hồng Yến, Mỹ Linh, Trâm Anh, nhóm múa AVA và một nghệ sĩ thân hữu đàn T'rưng. Qua cả ba HCT tôi nhận thấy tiếng kèn Sax điêu luyện và giọng ca lãng mạn của anh Vũ Lâm đã thu hút rất nhiều người hâm mộ, vỗ tay, quay phim, thậm chí có nhiều người hỏi anh có ra CD không để mua. Cám ơn các em trong nhóm tỵ nạn mới qua gồm Tam Ru , Chu Sinh, Dũng Micae ", đặc biệt là chị Cát Vân, anh Vinh, anh Hải và anh Quang Duy người phải về sớm vì quá đau mắt do thời tiết quá nóng. Xin tạm dừng bài tường thuật "chậm" này bằng một lời hẹn gặp lại các bạn tại hai ngày HCT do BCH CĐ tổ chức tại Melbourne Showground cuối tuần này 3-4/2/18, một địa điểm cực kì tuyệt vời, một không gian thoáng rộng và một không khí xuân tưng bừng. Tôi đã theo dõi dự báo thời tiết và "tình hình" rất khả quan là nhiệt độ khoảng 22-25 độ C. Hy vọng nàng "Nhiệt Độ" không "nhỏng nhẻo" vào phút chót! Thân chào Viễn Trình

Trong khi quỹ TNLT mời gọi mọi người cùng đến chung vui hội chợ tết 2018 tại Richmond. Thình lình có một phụ nữ mặc trang phục người thiểu số VN đã đến gian hàng quỹ TNLT để trình bầy nhạc phẩm You Raise Me Up qua tiếng đàn T'Rưng một nhạc cụ cổ truyền của người sắc tộc tây nguyên. Tất cả khách qua đường muốn chia sẻ niềm đau với các tù nhân lương tâm nên nhiều người đã đến ca hát, nhưng độc tấu đàn T'Rưng là một trường hợp hiếm hoi ở Australia. 


Người thiểu số Ê Đê, Jarai và B'nah là những người bị đàn áp và phân biệt chủng tộc thậm tệ do chủ trương của đảng CSVN cấm cản tôn giáo, chúng tôi có danh sách hằng trăm người Ê đê, Jarai và B'nah đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ, có nhiều người bị kết án 18 năm tù giam chỉ vì họ đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng và đất đai cha ông họ để lại. 

Hội chợ tết Richmond 2018

Đội múa AVA đến trước gian hàng quỹ TNLT để kêu gọi lòng hảo thâm của khách vui chơi hội chợ tết xuân Bính Tuất, cùng chia sẻ niềm đau của các TNLT đang tranh đấu cho công lý và nhân quyền VN.




Wednesday, January 24, 2018

Đội Múa Âu Cơ Hội Chợ Tết Footscray 2018

Văn hóa Việt Nam có lẽ được bảo tồn tốt hơn nhờ người Việt hải ngoại. Ngày nay các bạn không thể tìm thấy những điệu múa này ở VN nữa. Đội múa Âu Cơ đến gian hàng quỹ TNLT để trình diễn các điệu múa người VN sắc tộc thiểu số, kêu gọi lòng hảo tâm mọi người, khi vui chơi HCT thì đừng quên các anh em tranh đấu ở quê nhà. Quỹ Tù Nhân Lương Tâm