Tuesday, July 19, 2016

CHUYẾN THĂM CÁC GIA ĐÌNH TÙ NHÂN Ở GIA LAI – KONTUM THÁNG 7/2016


Huỳnh Phương Ngọc

Ngày 13/7 Quỹ Tù Nhân Lương Tâm cùng với hội Phụ Nữ Nhân Quyền đã tổ chức đợt thăm hỏi và tặng quà đến các gia đình tù nhân lương tâm sắc tộc thiểu số ở Gia Lai và KonTum. Bên cạnh sự an ủi hỗ trợ tinh thần các bà mẹ và vợ các TNLT người thiểu số ở đây, chúng tôi cũng đem đến họ một một ít quà tượng trưng là 1 chai nước mắm và 1 chai dầu ăn, vì việc chuyên chở đi lại khó khăn nên chúng tôi cũng hỗ trợ thêm một ít hiện kim là 1 triệu đồng cho mỗi cá nhân.

Trong chuyến thăm gặp trên tôi cùng chị Trần Thị Hồng - thành viên hội PNNQVN, đã thăm gặp và tặng quà cho 16 gia đình, trong đó 11 người ở Gia Lai và 5 người ở KonTum. Hầu hết họ ở sâu trong núi, có nơi phải đi đến 60km tính từ thành phố Pleiku. Riêng với gia đình ông Hmrek, phần hỗ trợ là 2 triệu đồng vì ông vừa qua đời chẳng bao lâu sau khi được tự do, gia đình rất khó khăn.

Chị Trần Thị Hồng – vợ mục sư Nguyễn Công Chính cho hay, danh sách những thầy truyền đạo bị bắt bớ, cầm tù và đánh đập tại Gia Lai và KonTum đã được chồng chị tổng hợp và đã có nhiều chuyến đi thăm gia đình vợ con những tù nhân lương tâm này. Sau khi Mục sư Nguyễn Công Chính bị cầm tù thì việc thăm hỏi cũng giảm đi bởi chị không thể đảm đương việc nhà với 4 con dại, nuôi chồng trong chốn lao tù.

Chị Hồng nói thêm, Thầy truyền đạo và gia đình của họ ở Gia Lai dường như bị biệt lập khỏi thế giới bên ngoài, không có phương tiện truyền thông. Những thầy truyền đạo mang án dài từ 9 – 17 năm là rất nhiều, nhưng mọi sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất đều ít ỏi, họ cô đơn và bị bỏ quên trên cao nguyên xa xôi, nơi mà mọi điều kiện đi lại thông tin công nghệ,… là xa xỉ.

Chuyến đi thực tế cho thấy rằng, ngoài vợ chồng Mục sư Công Chính ra thì rất ít người biết đến họ đang gặp khó khăn và vất vả trong việc thăm nuôi cũng như những trợ giúp pháp lý khi đi tù.Chúng tôi đã gặp thân nhân các thầy truyền đạo đang bị giam giữ, và thấu hiểu sự khó khăn vô cùng khi liên lạc, bên cạnh đó, sự quản lý nghiêm ngặt của cán bộ thôn bản làm những người Kinh như chúng tôi dễ bị để ý, theo dõi khi gặp gỡ với đồng bào thiểu số. Vì vậy đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra, khi đến nơi chúng tôi mới biết rằng ông đã thành người thiên cổ sau khi bị giam giữ bởi nhà tù Cộng sản.

Để thay cho lời tường trình, tôi xin dành vài lời để viết về Thầy truyền giáo Hmrek vưa qua đời ngày 8/5 vừa qua:

Ông Rơ Chăm Hmrek sinh năm 1963, có vợ và 4 con. Người con lớn 27 tuổi và nhỏ nhất là 14 tuổi. Gia đình ông cư ngụ ở tại làng Kách,xã Ia Khươi ,huyện Chư Păh,tỉnh Gia Lai. Là thầy truyền giáo đạo Tin Lành, năm 2003 ông bị bắt và giam ở trại giam Nam Hà, cho đến cuối năm 2008 ông được đưa về địa phương, với hai chân và hai tay bị liệt. Sau đó gia đình đưa ông xuống Sài Gòn để điều trị. Với một thời gian dài bị nhục hình nên cánh tay phải không điều trị được. Còn cánh tay trái chỉ để thẳng chứ không thể co duỗi. Hai chân điều trị xong thì chỉ khập khểnh bước đi rất yếu ớt mà ông vẫn bị quản thúc tại gia.

Mãi cho đến ngày 5/6/2015 Công an tỉnh Gia Lai ra một quyết đình tạm ngừng thi hành án, khi mà sức khỏe ông mổi ngày một xấu đi. Gia đình ông chỉ có được 2 con bò bán đi để đưa ông vào Sài Gòn chữa bệnh. Vợ và con ông đã nhiều lần đến CA địa phương xã Ia Khươi làm đơn đưa ông vào SG để điều trị nhưng CA địa phương không chấp thuận.

Không nhận được sự đồng ý của Công an địa phương, với câu trả lời:''nếu ông có chết đi thì phải chết tại Gia Lai'! Vậy là gia đình ông chỉ đưa ông đến bệnh viện tỉnh Gia Lai để điều trị, thế nhưng tại đây họ không khám chữa, ngày 23/3/2016 ông nhập viện và ngày 28/4/2016 xuất viện. Đến ngày 8/5/2016 ông qua đời.

Đó là câu chuyện buồn của gia đình thầy Hmrek và có thể nó sẽ là kịch bản của 15 gia đình còn lại có chồng, cha đang trong chốn lao tù ở Gia Lai, KonTum.

Xin cũng cần nhắc lại, những bản án nặng nề trong buổi xử lưu động chóng vánh trên các thôn, bản đã chôn vùi các thầy truyền đạo hiền lành trong chốn lao tù. Bất công và lao lý vô cùng. Gia sản của họ chỉ là cặp bò, mãnh ruộng hoang và đàn con nheo nhóc, đứa có áo, đứa không có quần. Tình cảnh vô cùng bi đát.

Qua bài viết này, tôi xin được thông tin đến quý vị, mong rằng những chuyến thăm gặp và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nhiều hơn khi họ đang vướng phải lao tù Cộng sản. Để cảm giác và thực tế bị cô đơn của chính họ và gia đình không còn nữa. Những thầy truyền đạo lớn tuổi với mức án 10-17 năm tù không phải là chuyện trở một bàn tay.

Lời cuối, Xin cám ơn sự nhẫn nại và kiên trì của Quỹ TNLT trong suốt những năm tháng qua đối với tất cả các tù nhân quốc nội cũng như thân nhân của họ. Cám ơn vì đã cho tôi có cơ hội thăm gặp và trò chuyện, viết về những người cùng khổ này. Với những nghĩa thiện cao cả, cầu mong quý vị được nhiều ân phước.

Trân trọng
Sài gòn, tháng 7/2016
HPN